Bản chất giai cấp Học thuyết về nhà nước của chủ nghĩa Marx Lenin

Nhà nước ra đời tựa hồ đứng ngoài xã hội, làm cho xã hội tồn tại trong vòng trật tự nhất định nhưng trên thực tế, chỉ giai cấp có thế lực nhất - giai cấp thống trị về kinh tế mới có đủ điều kiện lập ra và sử dụng bộ máy nhà nước. Nhờ có nhà nước, giai cấp này cũng trở thành giai cấp thống trị về mặt chính trị, và do đó có thêm những phương tiện mới để đàn áp và bóc lột giai cấp khác.

Nhà nước chẳng qua chỉ là một bộ máy trấn áp của một giai cấp này đối với giai cấp khác, điều đó trong chế độ cộng hòa dân chủ cũng hoàn toàn giống như trong chế độ quân chủ vậy
— Ph.Ăng-ghen[12]
Đàn áp là một trong những biểu hiện quan trọng của bản chất giai cấp của nhà nước

Vì thế, về bản chất Nhà nước chẳng qua chỉ là một bộ máy của một giai cấp này dùng để trấn áp một giai cấp khác,[13] là bộ máy dùng để duy trì sự thống trị của giai cấp này đối với giai cấp khác, là cơ quan quyền lực của một giai cấp đối với toàn xã hội, là công cụ chuyên chính của một giai cấp.

Theo chủ nghĩa Mác thì không có và không thể có nhà nước đứng trên các giai cấp hoặc nhà nước chung cho mọi giai cấp. Nhà nước chính là một bộ máy do giai cấp thống trị về kinh tế thiết lập ra nhằm hợp pháp hóa và củng cố sự áp bức của chúng đối với quần chúng lao động. Giai cấp thống trị sử dụng bộ máy nhà nước để đàn áp, cưỡng bức các giai cấp khác trong khuôn khổ lợi ích của giai cấp thống trị. Đó là bản chất của nhà nước theo nguyên nghĩa, tức nhà nước của giai cấp bóc lột. Theo bản chất đó, nhà nước không thể là lực lượng điều hòa sự xung đột giai cấp, mà trái lại, nó càng làm cho mâu thuẫn giai cấp ngày càng gay gắt. Cũng theo bản chất đó, nhà nước là bộ máy quan trọng nhất của kiến trúc thượng tầng trong xã hội có giai cấp.

Cũng theo những người Mác-xít, tất cả những hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội do nhà nước tiến hành, xét cho cùng, đều xuất phát từ lợi ích của giai cấp thống trị. Thực tế lịch sử đã chứng minh rằng, cho dù được che giấu dưới hình thức tinh vi như thế nào, cho dù có bị khúc xạ qua những lăng kính phức tạp ra sao, nhà nước trong mọi xã hội có giai cấp đối kháng cũng chỉ là công cụ bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị.

Nhà nước, nói chung chỉ là sự phản ánh dưới hình thức tập trung những nhu cầu kinh tế của giai cấp thống trị trong sản xuất
— Ph.Ăng-ghen[14]
Nhà nước là một bộ máy dùng để duy trì sự thống trị của giai cấp này đối với giai cấp khác, và theo đúng nghĩa của nó, là một bộ máy trấn áp đặc biệt của giai cấp này đối với một giai cấp khác
— VI.Lê nin[15]
Nhà tù công cụ trấn áp của nhà nước

Tuy nhiên cũng có trường hợp, nhà nước giữ được một mức độ độc lập nào đó đối với cả hai giai cấp đối địch, khi cuộc đấu tranh giữa chúng đạt tới thế cân bằng nhất định hoặc nhà nước cũng có thể thực hiện sự thỏa hiệp về quyền lợi tạm thời giữa những giai cấp để chống lại một giai cấp khác (theo kiểu khế ước xã hội). Những trường hợp trên là có tính chất ngoại lệ và tạm thời. Sự phát triển của nền kinh tế - xã hội nói chung và của cuộc đấu tranh giai cấp nói riêng sẽ phá vỡ thế cân bằng giữa các giai cấp thù địch với nhau, sẽ phá vỡ sự thoả hiệp tạm thời giữa các giai cấp với nhau và tất yếu sẽ tập trung quyền lực vào tay một giai cấp nhất định.

Nếu nhà nước và pháp quyền nhà nước của nó là do những quan hệ kinh tế quyết định, thì dĩ nhiên pháp quyền công dân cũng thế, vai trò của pháp quyền này về thực chất chỉ là để xác nhận những quan hệ kinh tế bình thường tồn tại giữa những cá nhân riêng biệt trong những hoàn cảnh nhất định
— Ph.Ăng-ghen[16]